(Pdf) Những Cách Tiếp Cận Cơ Bản Và Thách Thức Của Chủ Nghĩa Dân Túy Là Gì ?
Giới thiệu | Nghiên cứu lý luận | Đào tạo – Bồi dưỡng | Thực tiễn | Nhân vật – Sự kiện | Diễn đàn | Quốc tế | Tin tức | Từ điển mở |
Trang chủQuốc tếChủ nghĩa dân túy và phòng, chống những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam hiện nay
(LLCT) –Mặc dù xuất hiện trong đời sống chính trị của nhân loại đến nay đã hơn một trăm năm (từ cuối thế kỷ XIX) nhưng sự nổi lên có tính toàn cầu của chủ nghĩa dân túy trong những năm gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị-xã hội trên các châu lục, khu vực và nhiều quốc gia trên thế giới, với những diễn biến rất phức tạp và khó lường. Vì vậy, nghiên cứu để nhận diện nguồn gốc kinh tế – xã hội, đặc điểm, đặc trưng, bản chất, vai trò và lập trường chính trị, những hình thức và xu hướng vận động chủ yếu của chủ nghĩa dân túy không chỉ có ý nghĩa trên phương diện nhận thức lý luận mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định quan điểm, thái độ và lập trường của những người cộng sản đối với những hiện tượng và trào lưu này.
Đang xem: Chủ nghĩa dân túy là gì
Từ khóa: chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cơ hội.
1. Nhận diện “chủ nghĩa dân túy”
1.1. Một số quan niệm về chủ nghĩa dân túy
Chủ nghĩa dân túy (populism) bắt nguồn từ nghĩa gốc của từ populus (tiếng Latin) có nghĩa là dân, quần chúng nhân dân. Trong từ Hán Việt, dân túy chủ nghĩa 民醉主義có chữ “túy” 醉với nghĩa là say sưa, say mê: chủ nghĩa dân túy là làm cho cả một đám đông quần chúng nghe và tin theo chủ đích chính trị của mình.
Theo Từ điển Cambridge, chủ nghĩa dân túy là những tư tưởng và hoạt động chính trị với mục đích đại diện cho nguyện vọng và nhu cầu của người dân bình thường nhằm đòi hỏi sự bình đẳng với giới thượng lưu và kêu gọi sự thay đổi hệ thống chính trị và xã hội theo xu hướng này; là những ý tưởng và hoạt động chính trị nhằm mục đích nhận được sự ủng hộ của những người bình thường bằng cách cho họ những gì họ muốn. Chủ nghĩa dân túy cũng được xem là những thủ đoạn chính trị mang tính chất mị dân, đánh vào tâm lý của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ quần chúng(1); ý tưởng của họ là chủ nghĩa dân túy đơn giản – cắt giảm thuế và tiền lương cao hơn(2).
Bách khoa toàn thư về Dân chủ(Encyclopedia of Democracy) định nghĩa chủ nghĩa dân túy là: “Một phong trào chính trị nhấn mạnh lợi ích, đặc điểm văn hóa và tình cảm tự phát của những người dân bình thường, trái ngược với những người của một tầng lớp đặc quyền. Để hợp pháp hóa chính nó, các phong trào dân túy thường nói chuyện trực tiếp về ý muốn số đông – thông qua các cuộc họp đại chúng, trưng cầu dân ý hoặc các hình thức dân chủ trực tiếp – mà không cần quan tâm lớn đến việc phân chia quyền hạn, quyền lợi của thiểu số”(3).
Theo các tác giả trong sách “Lịch sử Hoa Kỳ” (tập 2), “Chủ nghĩa dân túy là chủ thuyết chính trị ủng hộ quyền lực của những người dân thường trong cuộc đấu tranh với tầng lớp đặc quyền. Một triết lý chính trị ủng hộ quyền và sức mạnh của người dân trong cuộc đấu tranh chống lại giới thượng lưu đặc quyền”(4). Theo định nghĩa này, dân túy được xem là một lý tưởng, qua đó những người đại diện cho đa số bị thiệt thòi, áp bức để lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại thiểu số nắm phần lớn các đặc quyền, đặc lợi trong xã hội. Những chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy thường nhấn mạnh họ gần gũi dân chúng trái hẳn với giới có quyền lực, và chỉ trích đối thủ của họ là không nhận thấy được vấn đề, hành động không dân chủ và chỉ chú trọng đến lợi ích của giới “tinh hoa”.
1.2. Một số cách tiếp cận về chủ nghĩa dân túy
Một là, chủ nghĩa dân túy như một ý thức hệ. F.Decker và Cas Mudde(5) cho rằng chủ nghĩa dân túy trên thế giới có thể được xem là một “ý thức hệ mỏng” chỉ đơn thuần xây dựng lên một khuôn khổ: một dân tộc trong sạch chống lại một “tầng lớp tinh hoa mục nát”; ông đối lập nó với chủ nghĩa đa nguyên (pluralism) – là một chủ nghĩa chấp nhận tính hợp pháp của nhiều nhóm khác nhau. Hệ tư tưởng mỏng này có thể được gắn liền với tất cả các hệ tư tưởng “dày” với nhiều nội dung đa dạng hơn như chủ nghĩa xã hội (socialism), chủ nghĩa dân tộc (nationalism), không có hệ thống giá trị cụ thể mà chỉ nhấn mạnh sự tương phản giữa đa số nhân dân và tầng lớp tinh hoa; hướng vào việc tranh giành lòng tin của quần chúng hoặc lợi dụng người dân cho mục đích riêng với lời hứa suông và thiếu trách nhiệm(6).
Từ góc độ ý thức hệ, có thể nhận thấy chủ nghĩa dân túy có nguồn gốc tư tưởng khá hỗn độn, không thuần nhất và cũng không theo đuổi một hệ thống giá trị nhất định nào để phân biệt với các hệ tư tưởng khác. Chủ nghĩa dân túy hiện hữu trong tất cả các khuynh hướng chính trị (tả, hữu, tiến bộ, bảo thủ…), dưới dạng các chính đảng phản kháng hay các phong trào xã hội chống lại nguyên trạng hiện tồn. Tuy nhiên, bất chấp sự mơ hồ về tư tưởng và sự mới mẻ về phương tiện, việc sử dụng thuật ngữ dân túy đang ngày càng gia tăng trong sinh hoạt chính trị ở nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến xu hướng dân túy là thiếu sự gần gũi và có khoảng cách lớn giữa lợi ích và ngôn ngữ của một cộng đồng và các nhà cai trị hay những người có quyền lực trong xã hội.
Hai là, chủ nghĩa dân túy như một chiến lược, một phong cách của các đảng phái và chính trị gia đối lập hoặc của các phong trào xã hội (social movements): Những người theo cách tiếp cận này cho rằng, chủ nghĩa dân túy không phải là một hệ tư tưởng (ý thức hệ) mà là một logic chính trị hay một cách tư duy về chính trị, một luận điệu hay một lập trường. Michael Kazin(7) mô tả dân túy là “một thứ ngôn ngữ mà các diễn thuyết gia ca xướng về dân thường như một nhóm người cao quý bất kể tầng lớp, coi giới đối thủ tinh hoa của họ là ích kỷ và phi dân chủ và tìm cách huy động nhóm trước (người dân) chống lại nhóm sau (nhóm tinh hoa). Ông cho rằng, dân túy là một thủ thuật chính trị của những kẻ nắm được thời cơ, vận dụng tâm lý quần chúng để nắm lấy quyền lực bằng các phương pháp dân chủ. Trong cuộc tranh luận chính trị, thuật ngữ chủ nghĩa dân túy hay được đại diện của các hướng khác nhau dùng để chỉ trích lẫn nhau, khi họ nghĩ rằng các tuyên bố của các hướng đối ngược được ưa chuộng nhưng không tưởng, cho đó là mị dân. Như vậy, chủ nghĩa dân túy được dùng để chỉ một phong cách chính trị cụ thể, một hình thức hùng biệnchính trị hay chiến lược để đạt được quyền lực, đồng thời trong các nghiên cứu, nó được phân loại như là một phần của các hệ tư tưởngkhác nhau. Với tính cách là phong trào chính trị, phong trào dân túy thường nhấn mạnh đến đặc điểm văn hóa, tình cảm tự phát và lợi ích thường nhật, trước mắt của người dân bình thường, trái với những người ở tầng lớp đặc quyền.
Ba là, từ góc độ phong cách ngôn ngữ và phương thức hành động, chủ nghĩa dân túy là chính sách của kẻ cơ hội tìm cách để giành được lòng tin của quần chúng. Trong ngôn ngữ hàng ngày, dân túy là một thuật ngữ dùng để chỉ trích đảng phái nào đó và một vài chính trị gia. Ở châu Âu, thuật ngữ này được sử dụng để chỉ trích các đối thủ chính trị thao tác và lợi dụng người dân thiểu số cho mục đích riêng của họ. Trong ngôn ngữ hằng ngày, dân túy là thuật ngữ dùng để chỉ trích (buộc tội) một đảng phái và một số chính trị gia đang tìm kiếm sự thu hút, ủng hộ của dân chúng và dư luận (muốn giành phiếu của cử tri) bằng những lời hứa êm tai nhưng trống rỗng, hoặc không thực tế, và bị cho là chỉ vì quyền lực, thậm chí thiếu trách nhiệm đối với tương lai chính trị của đất nước, mang nặng cảm xúc nhất thời, thiếu triết lý bền vững cho những mục tiêu chính trị lâu dài cũng như các giải pháp hiệu quả cho các vấn đề hiện tại. Jan-Werner Müller(8) quan niệm các nhà dân túy (populist) được xác định bởi tuyên bố rằng chỉ có họ đại diện cho nhân dân và tất cả những nhóm khác là bất hợp pháp. “Những người theo chủ nghĩa dân túy (dù ở Thụy Sỹ, Hà Lan, Pháp hay một nơi nào khác) đều có nhiều nét địa phương đặc thù. Nhưng tất cả đều có một điểm chung: họ đều tuyên bố rằng họ, và chỉ có họ, là đại diện của nhân dân. Vì vậy, những người không nhất trí không được xem là một phần của nhân dân, họ bị coi là những kẻ phản bội và phải bị loại trừ”(9).
Như vậy, chủ nghĩa dân túy là tổng hòa của nhiều yếu tố: là một vấn đề ý thức hệ, một chiến lược/đối sách hay phong cách, phương pháp thu hút quần chúng, sức hấp dẫn cá nhân, tài hùng biện, thuyết phục đối với số đông dân chúng của các nhà dân túy(10). Thực chất chủ nghĩa dân túy là những thủ đoạn chính trị mang tính chất mị dân, đánh vào tâm lý, nhu cầu, lợi ích cá nhân hay đánh vào quan điểm của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và quần chúng. Đặc điểm chung của chủ nghĩa dân túy là tách rời phát ngôn với hành động, giữa nói và làm và không nhất quán một nguyên tắc nào. Hệ quả, hệ lụy của chủ nghĩa dân túy là nó thường gắn với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, tinh thần quốc gia vị kỷ; chủ nghĩa bành trướng, bá quyền; sự ngạo mạn và chủ nghĩa biệt lập văn hóa, vấn đề di cư, nhập cư,… với những hình thái và mức độ biểu hiện khác nhau.
2. Những xu hướng và hình thức cơ bản
2.1. Những xu hướng của chủ nghĩa dân túy
F.Phukuyama(11) cho rằng các phong trào chủ nghĩa dân túy có thể được khu biệt thành 2 nhóm lớn:
2.1.1. Chủ nghĩa dân túy cánh tả
Chủ nghĩa dân túy cánh tả (left-wing/leftist populism) phổ biến ở khu vực Mỹ Latinh và Nam Âu, được sự ủng hộ của người nghèo và hướng theo các chương trình xã hội tái phân phối lợi ích, khắc phục tình trạng bất bình đẳng về kinh tế; không nhấn mạnh vấn đề sắc tộc hoặc nhập cư(12). Là trào lưu tư tưởng xã hội theo chủ nghĩa xã hội không tưởng (Utopia) mang tính nông dân của tầng lớp thanh niên trí thức, xuất hiện ở Nga cuối thế kỷ XIX. Những đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa dân túy như Ghecxen, Checnưsepxki (những người sáng lập) hay Bakunin, Laprôp, Mikhailôpxki. Đặc trưng của chủ nghĩa dân túy cánh tả Nga là tư tưởng dân chủ nông dân, mơ ước chủ nghĩa xã hội với hy vọng có thể tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chủ nghĩa tư bản bằng hình thức công xã nông thôn và cho rằng giai cấp nông dân (do trí thức lãnh đạo) là động lực chính của cách mạng. Trong những năm 1870 – 1880, chủ nghĩa dân túy đã có vai trò tích cực trong tập hợp nông dân đứng lên chống lại Nga hoàng. Nhưng theo sự phát triển của lịch sử, nó trở thành trào lưu tư tưởng phản động, gây trở ngại cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác vào nước Nga. Phái dân túy đã tìm cách xuyên tạc chủ nghĩa Mác, giải thích chủ nghĩa Mác một cách tùy tiện, chủ quan theo tính chất dân túy chủ nghĩa.
Ở Hoa Kỳ, Đảng Nhân dân (People’s Party) còn gọi là Đảng Dân túy phát xuất từ phong trào nông dân Mỹ cuối thế kỷ XIX. Trong thời kỳ này, giới nông dân vừa phải gồng mình chịu đựng giá bông sợi xuống thấp trong tình trạng hạn hán kéo dài vừa phải mang gánh nặng lãi suất ngân hàng và giá chuyên chở cao. Do đó, nông dân, nghiệp đoàn và cảm tình viên đã đoàn kết dưới danh nghĩa của Đảng Nhân dân và những người trong phong trào này được gọi là những nhà dân túy. Và “các nhà dân túy cánh tả bảo vệ người dân chống lại tầng lớp tinh hoa hay giới quyền uy. Chính trị của họ là một nền chính trị theo chiều dọc của nhóm dưới và nhóm giữa xã hội, chống lại nhóm bên trên”.
Về lịch sử, chủ nghĩa dân túy cánh tả khác với chủ nghĩa xã hội và các phong trào dân chủ xã hội ở chỗ: nó không phải là một kiểu chính trị của sự xung đột giai cấp và nó không nhất thiết tìm cách bãi bỏ chủ nghĩa tư bản. Nó cũng khác với kiểu chính trị cấp tiến hoặc tự do vốn tìm cách điều hòa lợi ích của các tầng lớp và các nhóm đối lập. Trọng tâm chính trị của chủ nghĩa dân túy cánh tả là nó giả định rằng giữa người dân và giới tinh hoa (the elite World) tồn tại một quan hệ đối kháng căn nguyên. Ở thời kỳ hoàng kim, do khai thác cái logic của chủ nghĩa dân túy khi “người dân” chống lại những kẻ tinh hoa không chịu đưa ra những cải cách cần thiết, các nhà dân túy của Đảng Nhân dân đã tạo ra được ảnh hưởng sâu sắc đối với Mỹ và cả chính trị Mỹ Latinh lẫn châu Âu. Sau khi tan rã, phong trào dân túy đã để lại nhiều ảnh hưởng trong nhận thức chính trị cũng như chính sách của các lãnh đạo Mỹ trong đó có chính sách kinh tế mới(13) của Tổng thống Franklin Roosevelt.
2.1.2. Chủ nghĩa dân túy cánh hữu
Chủ nghĩa dân túy cánh hữu (right-wing/rightist populism) phổ biến ở khu vực Bắc Âu, chủ trương bảo vệ các nhà nước phúc lợi nhưng không mở rộng dịch vụ, trợ cấp xã hội, dựa vào tầng lớp trung lưu, nhấn mạnh yếu tố sắc tộc và chống người nhập cư; những người thuộc tầng lớp lao động ở Mỹ ủng hộ Tổng thống Donald Trump;… Chủ nghĩa dân túy cánh hữu thường được dùng để nói về những thủ đoạn chính trị mang tính chất mị dân nhằm lôi kéo tranh thủ của quần chúng nhân dân, không chỉ hướng lên nhóm bên trên mà còn hướng ra một nhóm bên ngoài. Những nhà dân túy cánh hữu bảo vệ người dân chống lại giới tinh hoa mà họ cáo buộc là ủng hộ một nhóm thứ ba(14). Chủ nghĩa dân túy cánh hữu cũng khác với chủ nghĩa bảo thủ thường gắn với tầng lớp doanh nhân chống lại các nhà phê bình và các nhóm đối kháng bên dưới. Một số nhà dân túy cánh hữu cũng thường đưa ra những đòi hỏi gắn liền với sự thủ cựu hoặc thách thức các chuẩn mực dân chủ, thậm chí còn phủ lấp những thông tin sai lệch. Trong các phiên bản dân túy ở Mỹ và Tây Âu, nó cũng khác với chủ nghĩa bảo thủ độc tài vốn có mục tiêu phá hoại nền dân chủ(15).
2.2. Những hình thức chủ yếu của chủ nghĩa dân túy
2.2.1. Chủ nghĩa dân túy Nga
Hình thức cổ điển đầu tiên (nhưng không phải là duy nhất) của hệ tư tưởng dân chủ tiểu tư sản là chủ nghĩa dân túy Nga. Đây là trào lưu tư tưởng theo chủ nghĩa không tưởng xuất hiện cuối thế kỷ XIX của tầng lớp thanh niên trí thức Nga với chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội dựa vào nông dân và công xã nông thôn (phong trào narodnichestvo) theo tư tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Vì vậy, dân túy cũng được sử dụng để nói đến phong trào của các trí thức Nga tự ghét bỏ tầng lớp của mình và đồng cảm với giai cấp nông dân, theo đuổi mục tiêu xây dựng những “công xã nông thôn” cho giai cấp nông dân dựa trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Chủ nghĩa dân túy đưa ra những chương trình cải cách nhỏ không hề đụng đến kinh tế phú nông, coi mâu thuẫn giai cấp ở nông thôn chỉ là một “tật xấu” tầm thường mà một nhà nước “thường dân” có thể dễ dàng khắc phục. Phủ nhận vai trò cách mạng và lãnh đạo của giai cấp vô sản, đồng thời phủ nhận sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga nhưng chủ nghĩa dân túy lại khẳng định chủ nghĩa tư bản có thể đi vào “đời sống nhân dân” mà không làm cho nông thôn phá sản, “không bóc lột” nông dân lao động. Thực chất đó là thái độ thỏa hiệp với Nga hoàng, từ bỏ cuộc đấu tranh chống chế độ Nga hoàng, hy vọng vào chính phủ Nga hoàng đứng trên các giai cấp có khả năng giúp đỡ nhân dân cải thiện đời sống của họ.
2.2.2. Chủ nghĩa dân túy ở châu Âu
Trong những thập niên cuối thế kỷ XIX, khi Đảng Nhân dân (People’s Party) bùng nổ trên chính trường Mỹ thì châu Âu cũng chứng kiến sự trỗi dậy của các đảng dân chủ xã hội vốn lấy cảm hứng từ lý thuyết xã hội chủ nghĩa của C.Mác. Sau đó, châu Âu trở thành xứ sở của hàng loạt các đảng phái cánh tả, trung lập, cánh hữu. Tuy nhiên, phải đến năm 1970, châu Âu mới chứng kiến sự xuất hiện của chủ nghĩa dân túy như đã từng xuất hiện ở Mỹ. Cũng như Đảng Dân chủ thời kỳ đầu ở Mỹ, các đảng châu Âu hoạt động trong phạm vi bầu cử và bảo vệ “người dân” chống lại “nhà cầm quyền” hay “giới thượng lưu”.
Nhìn chung, các đảng dân túy đầu tiên ở châu Âu là phe cánh hữu; họ thường buộc tội giới tinh hoa vì những người cộng sản, những kẻ hưởng phúc lợi, hoặc dòng người nhập cư(16). Những chính trị gia dân túy thường nhấn mạnh: trái hẳn với giới có quyền lực, họ gần gũi dân chúng và chỉ trích các đối thủ là không nhận thấy được vấn đề, hành động không dân chủ hay chỉ chú trọng đến lợi ích của giới “tinh hoa”.
Gần đây, đường lối dân túy, dân tộc chủ nghĩa tiếp tục mở rộng tại châu Âu và làm rung chuyển EU. Những làn sóng dân túy đã tràn ngập châu Âu và lên như diều gặp gió, đánh dấu trào lưu của các đảng theo xu hướng dân túy ở khu vực này. Từ Pháp qua Đức, từ Hà Lan đến Áo hay Italy, chủ nghĩa dân túy thúc đẩy sự trỗi dậy của các đảng cực hữu và đang làm thay đổi bức tranh chính trị nhiều nước châu Âu. Các đảng dân túy, dân tộc chủ nghĩa đã giành được ghế trong quốc hội tại nhiều nước thành viên EU, trong đó có các nước lớn như Đức, Pháp… Các đảng dân túy cánh hữu cũng lợi dụng tâm lý bất an của người dân liên quan đến những vấn đề nhập cư và “bản sắc dân tộc” để cổ xúy chủ nghĩa bài ngoại và bài Hồi giáo(17). Và chiến thắng của các đảng dân túy cánh hữu trong các cuộc bầu cử ở “Lục địa già” trong những năm vừa qua gắn liền với làn sóng bài ngoại và phân biệt chủng tộc tại châu Âu, chứa đựng nhiều ẩn họa, làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng nhân đạo di cư, nhập cư, gây chia rẽ, bất ổn xã hội. Giải mã ma lực của chính trị gia dân túy, người ta cho rằng: điều hấp dẫn các nhà dân túy là họ giúp những người bị gạt ra bên lề nói lên tiếng nói của mình.
2.2.3. Chủ nghĩa dân túy Hoa Kỳ và châu Mỹ – Latinh
Hoa Kỳ được xem là một trong những cái nôi của chủ nghĩa dân túy (the birth of populism). Theo Francis Fukuyama, thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy” (populism) được sử dụng rộng rãi kể từ những năm 1890, khi phong trào dân túy của Mỹ thúc đẩy người dân nông thôn và Đảng Dân chủ chống lại những người Cộng hòa thường sống tập trung ở đô thị(18). Trong thực tiễn đời sống chính trị Mỹ, Đảng Dân túy – Populist Party thành lập tháng 5-1890, tranh thủ được sự ủng hộ của các chủ trang trại bất bình với chính sách của Chính phủ và hai đảng chính. Trong những năm 1950, các học giả và nhà báo sử dụng thuật ngữ này một cách rộng rãi hơn để mô tả các phong trào chính trị khác nhau, từ các phong trào phát xít (Fascist) và chủ nghĩa cộng sản châu Âu (Eurocommunism)(19) đến chủ nghĩa chống cộng McCarthy của
Mỹ (Mccarthyism)(20) và chủ nghĩa Peron (Peronistas) của Argentina và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (ethnocentrism, xenophobia: chủ nghĩa vị chủng, sự bài ngoại).
Ở châu Mỹ Latinh, bước sang những năm đầu của thế kỷ XXI đánh dấu sự hồi sinh của chủ nghĩa dân túy châu Mỹ Latinh do ảnh hưởng bởi sự trì trệ kinh tế và khủng hoảng tài chính mà khu vực này phải đối mặt trong những năm cuối thập niên 1990.
3. Một số vấn đề đặt ra hiện nay
Là hiện tượng phức tạp, được chú ý nhiều trong đời sống chính trị trên thế giới hiện nay, nhất là vào dịp các cuộc bầu cử, trưng cầu dân ý. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng, chủ nghĩa dân túy có thể trở thành hiện tượng chính trị quyết định trong thập kỷ tới, không chỉ ở Mỹ hay châu Âu mà ở khắp các nền dân chủ phát triển”(21). Và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy được xem là dấu hiệu cảnh báo của một hiện trạng lầm lạc. Sự thắng thế của làn sóng dân túy hay “Sự nổi lên toàn cầu của chủ nghĩa dân túy (The global rise of populism – Benjamin Moffitt(22)) có thể dẫn đến những kết quả khó đoán, bất ngờ và tác động bất ổn đến nền chính trị các nước, khu vực và thế giới.
Nguyên nhân làm xuất hiện chủ nghĩa dân túy rất đa dạng và phức tạp, từ kinh tế đến chính trị, từ xã hội đến văn hóa và ngày nay là vấn đề môi trường, cạn kiệt tài nguyên (cụ thể là hiện trạng: bất bình đẳng kinh tế, phân biệt giàu – nghèo, bất mãn xã hội, bất bình đẳng giới, bạo lực và buôn bán các trẻ em gái, phân biệt tôn giáo, chủng tộc, tư tưởng bài ngoại,… Ở phương Tây, chủ nghĩa dân túy thường phát triển khi người dân trong xã hội phải đối mặt với những khó khăn do suy thoái hay khủng hoảng về kinh tế, bất ổn về xã hội, an ninh, môi trường và trước sự lúng túng, bị động, thất bại của các đảng cầm quyền, chính quyền hay sự suy thoái, nạn quan liêu, tham nhũng của công chức nhà nước; tình trạng bấp bênh của nền kinh tế trong bối cảnh các thay đổi về lực lượng lao động ở các xã hội hậu công nghiệp; những thay đổi về văn hóa và dân số…
Xem thêm: Thuốc Điều Kinh Bà Kiều Có Tốt Không ? Mua Ở Đâu Nhiều Ưu Đãi
Trong lịch sử chủ nghĩa dân túy là sự xen kẽ giữa tư tưởng dân chủ nông dân với xã hội không tưởng nông dân, hy vọng bỏ qua con đường tư bản chủ nghĩa(23). Chủ nghĩa dân túy là sự kết hợp đầy mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội không tưởng với những nhu cầu thực tế của người sản xuất hàng hóa nhỏ(24). Dù với nội dung hay hình thức nào, về bản chất, chủ nghĩa dân túy cũng vẫn là một loại tư tưởng tiểu tư sản, duy tâm, phản khoa học, không tưởng, mị dân và thậm chí phản động. Với tư cách là học thuyết cách mạng, chủ nghĩa Mác – Lênin đối lập với chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại, các trào lưu tư tưởng tư sản và phản động, trong đó có chủ nghĩa dân túy. Vì vậy, đấu tranh chống các hệ tư tưởng phi mác xít cũng như chủ nghĩa dân túy và các tư tưởng, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động là vấn đề có tính quy luật trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; là vấn đề có tính nguyên tắc, nhiệm vụ quan trọng thường xuyên trong tổ chức và hoạt động lãnh đạo của các chính đảng cộng sản. Theo V.I.Lênin, “vấn đề đặt ra chỉ là như thế này: hệ tư tưởng tư sản hoặc hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Không có hệ tư tưởng trung gian… Vì vậy, mọi sự coi như hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, mọi sự xa rời hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa đều có nghĩa là tăng cường hệ tư tưởng tư sản”(25).
Cũng như chủ nghĩa cơ hội, xét lại, chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam không tồn tại dưới dạng “chủ nghĩa” mà nó chỉ tồn tại với tính cách là quan điểm, tư tưởng, không thành hệ thống lý luận và biểu hiện ở phát ngôn, hành động vụn vặt của một số người. Có thể nhận diện những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam với những quan điểm, tư tưởng và phát ngôn như: (1) Đòi xét lại những nguyên lý xây dựng Đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác – Lênin, biến Đảng thành tổ chức ô hợp; đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; đòi để nhân dân tự chọn món ăn tinh thần, không cần định hướng, quản lý trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng và đòi dân chủ một cách tự do, vô tổ chức, dân chủ không gắn với kỷ luật, kỷ cương… (2) Xuyên tạc, bôi đen lịch sử tiến đến phủ nhận lịch sử, cho những năm tháng hào hùng của cách mạng dân tộc dân chủ và xây dựng CNXH là “thời kỳ đen tối”, “sai lầm” không thể chấp nhận. Từ đó, ra sức xuyên tạc lịch sử, hạ bệ lãnh tụ, nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam, từ bỏ con đường XHCN chân chính để chấp nhận “chủ nghĩa xã hội nhân đạo, dân chủ”- một biểu hiện của tư tưởng dân túy – cái mà họ cho là xã hội duy nhất đem lại cuộc sống xứng đáng cho con người. (3) Tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm thông qua những phát ngôn tuyên bố gây sốc nhằm chỉ trích nhằm vào những cán bộ lãnh đạo cùng với những hành vi và hình ảnh mang màu sắc dân túy “mị dân”, lấy lòng đám đông trong giải quyết những vấn đề nóng bỏng, dễ gây bức xúc trong xã hội, chạm được những lợi ích trước mắt của một bộ phận nhân dân, được truyền thông hậu thuẫn và tung hô xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: nhân danh lòng yêu nước phê phán các quan điểm, đối sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề Biển Đông hoặc kích động tinh thần dân tộc cực đoan. Tình trạng tham nhũng, quan liêu trì trệ, coi thường quốc pháp, sự lộng hành của các nhóm lợi ích, sự phân hóa giàu nghèo và bất công xã hội cùng những rủi ro của kinh tế thị trường được xem là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ dân túy và tư tưởng dân túy nảy sinh. Mặc dù chủ trương của Đảng và Nhà nước là kiên quyết đấu tranh chống tệ tham nhũng với các phương châm nhất quán như: kiên quyết, không ngừng nghỉ, không có vùng cấm trong cuộc đấu tranh này và đạt được những kết quả rõ rệt và được mọi người thừa nhận; tuy nhiên một số cá nhân bất mãn đã nhìn nhận mặt tích cực này mà lấy kết quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng để đả kích, phê phán chế độ. Tính chất độc hại, nguy hiểm và hệ quả tiêu cực của những quan điểm, tư tưởng và hành động này đã gây nên sự mơ hồ, ngộ nhận, lẫn lộn về nhận thức, dao động về tư tưởng, hoài nghi, suy giảm niềm tin của nhiều người vào sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có cả những cán bộ, đảng viên. Điều này đặt ra yêu cầu nhiệm vụ của công tác tư tưởng hiện nay là chúng ta cần nhận diện đầy đủ và cảnh giác với những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy, đồng thời có những biện pháp đấu tranh hiệu quả với những biểu hiện của trào lưu tư tưởng này.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 1-2020
(1) Mai Mai: “Sức mạnh của chủ nghĩa dân túy”; http://baoquocte.vn.
(2) https://dictionary.cambridge.org.
(3) Torcuato S.Di Tella: Populism, in Seymour Martin Lipset, Hg, The Encyclopedia of Democracy (Washington, D.C.: Congressional Quarterly Books), S. 985, 1995.
(4) Mary Beth Norton, David M. Katzman, David W. Blight, Howard Chudacoff, Fredrik Logevall, A People and a Nation: A History of the United States: Volume 2, 7th, Publisher: Cengage Learning, 1865. Định nghĩa này được chấp nhận rộng rãi nhưng khá tổng quát vì rất ít khi lãnh đạo các phong trào dân túy thừa nhận họ là “đại biểu của tầng lớp người dân thường”.
(8) Jan-Werner Müller (sinh năm 1970 ở Bad Honnef) là một nhà khoa học và giáo sư chính trị người Đức tại Đại học Princeton (Professor of Politics at Princeton University).
(9) “Sự trỗi dậy của những người chống chủ nghĩa dân túy ở châu Âu”, http://nghiencuubiendong.vn.
(10) Đinh Hoàng Thắng, Phan Văn Thắng: “Chủ nghĩa dân túy trong văn hóa chính trị hiện nay”, Tạp chí Văn hóa Nghệ An, 4/2017.
(11) Yoshihiro Francis Fukuyama (người Mỹ, sinh năm 1952): Nhà Chính trị học, giáo sư Kinh tế Chính trị Quốc tế Đại học Johns Hopkins và là thành viên của tổ chức New America Foundation; tác giả của The end of history (Sự kết thúc của lịch sử), The National Interest, 1989.
(12) https://www. the-american-interest.com.
(13) Chính sách kinh tế mới (New Deal) là tên gọi của một tổ hợp các đạo luật, chính sách, giải pháp nhằm đưa Hoa Kỳ thoát ra khỏi cuộc đại suy thoái kinh tế 1929-1933 và gắn liền với tên tuổi của Franklin Delano Roosevelt (FDR) – vị Tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ. Phần lớn chương trình nghị sự mang tính dân túy đã được đưa vào trong chính sách New Deal của FDR và cả quan điểm của chủ nghĩa tự do New Deal.
(14) Như: những người nhập cư, những người Hồi giáo, hoặc các chiến binh Mỹ gốc Phi…
(15) Trong thực tế, thật khó phân định những người dân túy cánh tả hay cánh hữu một cách rõ ràng, bởi chủ nghĩa dân túy giống như một cách thức tìm kiếm quyền lực hơn là một lý tưởng chính trị. Ở phương Tây cũng không có sự thống nhất về tiêu chí phân chia khuynh hướng tư tưởng chính trị thành cánh tả và cánh hữu. Nhiều vấn đề chồng chéo và không thể phân loại đơn giản giữa các thuật ngữ “chủ nghĩa dân túy cánh tả” và “chủ nghĩa dân túy cánh hữu” thường xuyên được thảo luận.
(16) Kết quả là thuật ngữ “dân túy” ở châu Âu đã bị các nhà chính trị và giới học giả cánh tả cũng như trung lập xem là từ mang nghĩa xấu. Trong thập kỷ gần đây, các đảng dân túy cánh tả đã xuất hiện ở Tây Ban Nha và Hy Lạp nhằm chống lại giới cầm quyền hoặc phản đối việc đặt trụ sở Liên minh châu Âu (EU) tại Bỉ.
(17) Ở một phương diện nào đó, tư tưởng phân biệt, kỳ thị chủng tộc, tôn giáo đã tạo mảnh đất màu mỡ để “hạt mầm” dân túy “đâm chồi nảy lộc”.
(18) Francis Fukuyama: Chủ nghĩa dân túy là gì? – “What Is Populism?”, American Interest. Chuyện kể rằng, vào tháng 5-1891, một số thành viên của Liên minh Nông dân Kansas sau khi trở về nhà từ cuộc hội nghị tại miền Cincinnati, họ đã dùng thuật ngữ “dân túy” để mô tả cái quan điểm chính trị mà họ và các nhóm liên minh khác ở phía Tây và phía Nam đang phát triển.
(19) Thuật ngữ Eurocommunism (chủ nghĩa cộng sản châu Âu) là tên mà một số đảng cộng sản (ĐCS) tại các nước tư bản phát triển tại châu Âu (như ĐCS Ý, ĐCS Pháp và ĐCS Tây Ban Nha) tự gọi trào lưu của mình. Hiện nay hầu hết các ĐCS tại các nước Tây Âu, Nhật Bản và các nước kinh tế tư bản phát triển đều theo trào lưu này.
(20) Joseph Mccarthyism (1908-1957): Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa (Republican Party) bang Winsconsin, Chủ tịch Ủy ban về vấn đề hoạt động chống Hoa Kỳ của Quốc hội, đứng đầu phong trào truy nã những người cộng sản và cảm tình với cộng sản.
(21) “Khi chủ nghĩa dân túy lên ngôi”, http://baotintuc.vn.
(22) Benjamin Moffitt : NCS sau tiến sĩ tại Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Stockholm, Thụy Điển, Giảng viên cao cấp về Chính trị và Hội đồng Nghiên cứu Úc DECRA Fellow (2019-2021) tại Trường Nghệ thuật Quốc gia, ACU (Melbourne).
(23) Từ điển Triết học, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1986, tr.123-125.
Xem thêm: Mã Hải Quan Chuyển Phát Nhanh (Nội Bài, H, Công Văn 374/Tchq
(24) Từ điển Chính trị vắn tắt, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva và Nxb Sự thật, Hà Nội, 1988, tr.99.